Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười
“Chỉ muốn rằng, quyển sách này sẽ chạm đến trái tim của những con người đã từng lạc bước ngoài kia và cả những người trẻ đang chập chững bước vào đời. Mong sao, khi gấp quyển sách lại, người ta sẽ yêu nhiều hơn cái cuộc đời bình sinh ngắn ngủi này. Họ sẽ thương nau hơn, chấp nhận và bao dung hơn những điều còn khiếm khuyết trong cuộc sống. Để cho dù có bất chợt ra đi, họ vẫn sẽ mỉm cười vì không còn gì băn khoăn và nuối tiếc.
Gửi đến những người thương, những người đã và đang hiện hữu trong cuộc đời tôi lời nguyện cầu bình an và trân trọng. Xin cúi mình tạ lỗi với những ai tô đã vô tình làm tổn thương họ, đã từng lạc nhau trong khoảnh khắc nào đõ giữa chông chênh kiếp người. Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi vẫn sẽ nhìn họ bằng con mắt nguyên sơ như ngày đầu mới gặp. Bởi vì sẽ không biết được rằng, giữa cuộc sống vô thường, tôi, họ, ai sẽ là người tiếp theo bước chân về cõi ấy, nơi của những linh hồn hội tụ.
Vậy nên, tôi thật lòng trân trọng.
Đầy trân trọng!”
– Tác giả Mộc Trầm (Đại Đức Thích Đạo Quang)
“Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười cho ta thấy được một cái kết mà chưa hết. Trong đó, cái chết chỉ là kết thúc một hành trình để bắt đầu cho một hành trình mới thiêng liêng và cao quý hơn nữa trong mỗi chúng ta trên cuộc đời này. Chính vì thế, cho dù cuộc đời này chúng ta có sai bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì cuối cùng, nếu ta nhận biết lỗi lầm của mình mà tu sửa thì những gì ta tu sửa đó đáng giá không có gì đổi được. Vì thế, biết lỗi mà sửa lỗi là điều đáng trân trọng vô cùng.”
– Nguyễn Anh Dũng, Sáng lập SBOOKS.
AI RỒI CŨNG SẼ BÌNH YÊN
“Ai rồi cũng sẽ bình yên” chính là tên tựa đề tác phẩm đầu tay của tác giả Fan Việt ra mắt vào giữa mùa đông năm nay. Fan Việt là bút danh của một tu sĩ với pháp danh Thích Quảng Thông, sinh ra ở Nghệ An, hiện đang tu học và sinh sống tại Hà Nội. Trong khoảng thời gian tác giả theo học Thạc sĩ văn học Việt Nam tại trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã viết lên những nỗi niềm, tâm tư và cách nhìn nhận về cuộc sống ở trong tác phẩm này.
“Trải qua hành trình của cuộc đời, bản thân tôi cũng đã từng sầu đau, đã từng bất an và hoang mang cùng cực, trái tim đã không biết bao lần phải chịu tổn thương. Rồi một ngày tôi bất chợt nhận ra, nếu hiểu trái tim, nếu yêu thương bản thân, biết xoa dịu mọi nỗi đau, chấp nhận mọi thử thách ngang trái của cuộc đời, thì bạn sẽ thăng hoa trong cảm xúc của bình yên đến lạ”. Những dòng tâm tình trải lòng của tác giả cho thấy con người dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào cũng rất cần một bến đỗ bình yên.
Nội dung tác phẩm chia làm sáu mươi chủ đề khác nhau nào là: Phải giữ lòng mình thật yên;Tình cảm là nhất thời, lý tưởng là mãi mãi; Quan tâm đúng cách; Tràn duyên; Ai rồi cũng sẽ bình yên… cũng chính là sáu mươi cách nhìn nhận của tác giả muốn đưa người đọc thấy được “bình yên là cảm xúc đến từ trái tim của chính bạn, chứ không phải cảm xúc do người khác mang đến”. Với mong muốn mọi người ai cũng tìm được cho mình sự bình yên thật sự. Trong chủ đề “Về nhà” tác giả chia sẻ “Nhà – không chỉ có cha có mẹ có anh chị em. Nhà- còn là khởi điểm của bạn trong kiếp người này. Nếu thành công bạn đừng quên điểm xuất phát vô cùng quý giá ấy. Nơi đó luôn tồn tại một tình yêu, một tình thương không bao giờ phai nhạt. Hãy trở về Nhà- lúc bạn cảm thấy cần trở về”. Hay ở chủ đề “Ai rồi cũng sẽ bình yên” Tác giả cũng bộc bạch: “Trong thế giới rộng lớn ấy, ta đi tìm ta, tìm lại những giá trị của bản thân, tìm lại những giá trị từ hơi thở, tìm về sự bình yên và cả sự hồn nhiên. Hãy tạo cho mình những con đường tươi đẹp, để bước tiếp và bước đi thật an yên”.
“Dẫu cuộc sống có muôn vàn đau khổ. Tôi mong bạn cuối cùng sẽ tìm được bến đỗ bình yên”. Là thông điệp sau cùng của tác phẩm “Ai rồi cũng sẽ bình yên” mà tác giả muốn gửi tặng đến bạn đọc. Giữa mùa đông lạnh giá, mọi người sẽ được sưởi ấm tâm hồn khi đọc được tác phẩm này. Và đặc biệt, thông qua tác phẩm mọi người có thể tìm thấy bình yên nơi chính bản thân mình.
LỮ KHÁCH VEN ĐƯỜNG
Mỗi một người bước đến cuộc đời mình đều có ý nghĩa và giá trị khác nhau. Họ như là một lữ khách, dù cho có ở lại với mình đến hết cuộc đời hay không. Tâm An cũng vậy, cậu luôn cho mình là một lữ khách. Với bất cứ nơi nào Tâm An đi đến, cậu sẽ góp nhặt từng mảnh chuyện thường ngày trong cuộc hành trình của mình rồi viết nên “Lữ khách ven đường”.
“Lữ khách ven đường” là quyển sách đầu tay của tác giả Tâm An – một người trẻ có tình với con chữ và có lòng yêu viết lách. Tâm An tuy sinh ra nơi phố thị nhưng lại chọn núi rừng làm nơi để trưởng thành. Do đó, trong “Lữ khách ven đường” còn nhắc đến những đứa trẻ đồng bào Raglai với vai trò là những người bạn đồng hành cùng tác giả, chúng hồn nhiên và vô tư, như tô thêm cho quyển sách một màu sắc tươi sáng hơn. Mỗi câu chuyện được kể lại với lối viết văn mới lạ và thu hút, một nửa như đang trò chuyện cùng các em đồng bào Raglai, nửa còn lại là tâm tư dành cho bạn đọc về những lần gặp gỡ, những con người và những ý nghĩa từ đó. “Lữ khách đến rồi đi như bụi trần, không vì ai lưu luyến, cũng chẳng vì ai nên duyên nên nợ; chỉ là người đi suốt tháng năm dọc dài, kinh qua bao nương dâu bãi bể, trải qua bao giông bão trong lòng. Để rồi hôm nay, tiết đông gió bấc, hóa thành văn nhân, viết lại những câu chuyện, mà bản thân đã gặp!”. Lữ khách đến rồi đi, họ mang trong mình ý nghĩa đối với cuộc đời chúng ta, đó có thể là những khoảnh khắc đẹp, có thể là những bài học quý báu, nhưng cũng có thể là những kỉ niệm không vui. Dù sao đi nữa thì những lần gặp gỡ đó đã cho chúng ta trưởng thành. Sự tồn tại của bạn trong cuộc đời của ai đó và ngược lại, đó là điều vô cùng ý nghĩa. Bạn trân trọng là hạnh phúc trọn vẹn, bạn bỏ lỡ là biệt ly không ngày gặp lại. Hãy giữ lấy những lần gặp gỡ đó, đừng để chúng ta lướt qua nhau như một lữ khách mà không để lại một ý nghĩa gì. Đó hẳn là những gì mà tác giả Tâm An muốn gửi đến độc giả.
“Lữ khách ven đường” sẽ đưa bạn đến với cảm giác như được ngồi cùng các em đồng bào Raglai nghe kể chuyện, những câu chuyện tuy giản dị và nhỏ nhặt nhưng sẽ cho bạn một năng lượng mới trong cuộc sống, một tâm hồn an nhiên, và hơn nữa là một cái nhìn tích cực, bao dung đối với những người sẽ và đã lướt qua đời chúng ta. Để chúng ta có thể chào đón và trân trọng họ hơn.
TÔI TÌM MÌNH GIỮA NHỮNG THÁNG NĂM
“Tôi tìm mình giữa những tháng năm” là tản văn được viết bởi tác giả trẻ Lê Ngọc. Quyển sách như là một câu chuyện trưởng thành của những người trẻ. Có lúc sẽ chơ vơ, lạc lõng không tìm ra được lối đi cho cuộc đời mình. “Tôi tìm mình giữa những tháng năm” cho ta thấy một người trải lòng đang rệu rã nhưng còn đầy hy vọng vào cuộc sống, nhìn ra vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhặt, u hoài về những điều xưa cũ. Tập tản văn có thể đọc như một phương cách thiền định, chữa lành. Tập sách cũng phù hợp tâm thức của người Việt về gia đình, quê hương.
Sách gồm hai phần: Tuổi thơ tôi quê nhà thơ dại và Đời trưởng thành phố xá chênh vênh. Tựa đề của cả hai phần đều cho ta dễ dàng nhận ra câu chuyện mà tác giả muốn kể. Ở phần I sẽ là câu chuyện tuổi thơ với những ký ức tuy giản dị mà đáng nhớ vô cùng, là những lúc cả xóm bị mất điện, là những lúc ở bên ngoại, những khi mùa ngô đến, cả khi cái đám bạn trong xóm rủ nhau đi móc “cua mà đùn”, biết bao nhiêu là ký ức và cũng biết bao nhiêu là nỗi nhớ. Bước qua phần II, với những tựa đề như: Chơi vơi hai lăm, Rốt cuộc đời sẽ đưa ta về đâu?, Bỏ phố về quê,… có thể nhận ra sự chơ vơ, lạc lõng của “tôi”, “tôi” đã không còn là một đứa trẻ vô tư như hồi còn ở quê nữa, giờ đây chỉ là một người nhận ra bản thể mình đang dần mai một đi, giá trị nguyên sơ định hình nên bản thân đang bị bỏ rơi, quên lãng. Mặc cho sự nghiệp đang thăng hoa và đã trở thành một người thành công nhưng vẫn còn đâu đó sự nuối tiếc. Sự nuối tiếc này là nguyên do đã làm “tôi” phải đi tìm mình trong một khái niệm vô định là tháng năm, thời gian… “Tôi tìm mình giữa những tháng năm” sẽ là câu trả lời, là một lời an ủi cho những ai đang chơ vơ, lạc lõng khi đối mặt với thứ gọi là “trưởng thành”.
Tác giả viết theo thể văn xuôi nhưng mỗi dòng sau dấu chấm đều nhịp nhàng như một câu thơ, giọng văn lãng mạn. Tuy không có cốt truyện xuyên suốt, tản mạn nhiều vấn đề nhân sinh, nhưng cảm thức về hoài niệm quá khứ, hoài niệm những thực thể như phố, con người… Không ngừng tìm kiếm chúng dù đang sinh tồn trong đời sống hiện đại, hay những đoạn viết về sự lênh đênh, hành động bộc phát của tuổi trẻ sẽ làm “Tôi tìm mình giữa những tháng năm” có chút gì đó như Từ thăm thẳm lãng quên, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của Patrick Modiano, một hành trình tìm kiếm trong thời gian đã mất chỉ còn là giấc mơ.
CÔNG TY CỔ PHẦN SBOOKS
PHÁT HÀNH TRÊN TOÀN QUỐC
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.